Về mặt hoá học phân tử nước có một nguyên tử oxygen và hai hydrogen. Các phân tử nước tập hợp lại thành mạng lưới nhờ các liên kết hydro. Bản chất dính vào nhau của các phân tử nước xác định phần lớn các tính chất đặc biệt của nó, như sức căng bề mặt,nhiệt năng cao, hấp thu nhiều nhiệt lượng,ít thay đổi nhiệt,… Khoảng 95% nước ở dạng tự do có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và trao đổi chất trong tế bào, giữa tế bào và môi trường. Các chất hóa học tan trong nước nhờ nước mà phân phối đều, chúng có cơ hội gặp nhau để rồi phản ứng với nhau, 5% nước ở dạng liên kết bằng các liên kết khác nhau hay kết hợpvới các thành phần khác như protein…

Nước là thành phần đơn độc lớn nhất của cơ thể. Trẻ em có tỷ lệ phần trăm nước so với trọng lượng cơ thể cao nhất, chiếm 75%. Tỷ lệ này giảm dần theo tuổi. Ở nam giới trưởng thành, nước chiếm 60%; còn ở nữ giới, tỷ lệ này là 55%.

Mỗi thành phần cơ thể lại có một tỉ lệ nước khác nhau tùy theo nhu cầu riêng của thành phần đó. Trong nước bọt 95%, dịch bao tử 95.5%, não có 86% nước, thận có 83%; xương có 22%; cơ tim có 79% nước. Bắp thịt có nhiều nước hơn tế bào mỡ. Cho nên người có bắp thịt nở nang thì có nhiều nước hơn người béo phì. Và khi tế bào mỡ lên cao thì nước giảm xuống. Chỉ cần thiếu hoặc dư nước chừng vài phần trăm là đã có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nếu nước trong cơ thể giảm đến 20% thì tử vong có thể xẩy ra.

Các vai trò của nước đối với cơ thể:

Nước là thành phần cấu tạo của mọi tế bào, mô và các chất dịch của cơ thể. Nếu không có nước thì sẽ không có dịch vị bao tử, mật để tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Nước cần cho sự sống của mọi tế bào qua việc chuyên chở chất dinh dưỡng, chuyển hóa thức ăn và bài tiết những chất cặn bã của thức ăn cũng như từ các phản ứng sinh hóa.

Cơ thể con người luôn có nhiệt độ ổn định, đạt được điều đó là do các quá trình thải nhiệt của cơ thể, trong đó có vai trò của nước. Nước giữ nhiệt độ cơ thể bình thường tương tự như nước chứa trong bình tản nhiệt xe hơi. Chẳng hạn khi nhiệt độ trong cơ thể lên cao, vì nhiễm trùng, sốt, vì đi trong nắng nóng, da sẽ đổ mồ hôi, làm giảm nhiệt độ trong người. Nước là môi trường trung gian qua đó cả ngàn phản ứng hóa học cần cho sự sống liên tục diễn ra trong cơ thể.

Nước làm chất “bôi trơn” để giảm cọ xát trong sự vận động các khớp xương. Nước giúp các bộ phận cơ quan trong cơ thể hoạt động hữu hiệu và làm “chất đệm” để tránh sự cọ xát giữa cơ quan này với cơ quan khác.

Nước chứa đựng nhiều khoáng, chất dinh dưỡng, kích thích tố, tất cả theo một tỉ lệ cân bằng mà nếu có xáo trộn thì bệnh tật sẽ xảy ra. Nước giúp cơ thể loại chất thải, cặn bã từ sự tiêu hóa cũng như từ các phản ứng sinh hóa học như phân tử carbon dioxide, urea, ammonia.

Có một thực trạng hiện nay là rất nhiều người chưa uống nước đúng cách và đủ số lượng. Thường thói quen của chúng ta là khi nào khát thì mới uống, nhưng khi cảm thấy khát thì cơ thể đã bắt đầu thiếu nước trầm trọng rồi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, mỗi người cần uống 0,4 lít nước/ 10kg cân nặng/ 1 ngày, ví dụ : bạn nặng 50kg, vậy bạn phải uống 0,4 * 50 = 2,0 lít nước 1 ngày để đảm bảo đủ nước cho cơ thể. Không uống một lần một lượng nước lớn mà uống từ từ từng ngụm nhỏ, rải rác trong ngày để việc hấp thu nước tốt hơn và tránh tạo áp lực lên nội tạng. Uống nhiều ban ngày giảm dần về tối.

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *